Cà phê robusta là gì?
Trong tiếng Việt, cà phê robusta được gọi là cà phê vối – có thể do nó đắng giống nước vối chăng? Cà phê robusta cùng với cà phê arabica là hai loại cà phê chính được trồng trên thế giới hiện nay. Khác với arabica có lịch sử lâu đời hơn và hiện được ưa chuộng hơn, cà phê robusta được phát hiện sau này và được trồng đại trà một vài thập niên gần đây. Robusta có vị cà phê mạnh, đắng hơn, đôi khi có vị chát và ngái, caffeine cũng cao hơn cà phê arabica. Giá cà phê robusta rẻ hơn thường thì khoảng một nửa so với arabica do dễ trồng và dễ canh tác hơn cà phê arabica. Cà phê robusta thường được phối trộn với cà phê arabica để giảm giá thành hoặc dùng để chế biến cà phê hòa tan có giá cạnh tranh. Tuy nhiên, xu hướng đáng chú ý hiện nay tại nhiều thị trường, cà phê robusta được dùng riêng rẽ như cà phê arabica với các sản phẩm cà phê hạt rang và cà phê bột đang có xu hướng gia tăng.
Nguồn gốc tên robusta?
Robusta có gốc từ robust – có ý nghĩa là mạnh. Như vậy, robusta có nghĩa là một loại cà phê có vị mạnh, giàu caffeine. Thực tế, robusta là loại cà phê mới được phát hiện ra gần đây và nhanh chóng được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới là nhờ cây cà phê này dễ chăm sóc, dễ trồng, và khả năng đề kháng sâu bệnh cao. Cà phê robusta có vị chua ít hơn arabica (độ axit thấp hơn), nhưng có vị đắng và ngái hơn arabica. Thêm nữa, hàm lượng caffeine của robusta cao hơn nhiều so với arabica giúp chúng có vị mạnh rất đặc trưng.
Cà phê robusta tại Việt Nam?
Cà phê robusta được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên, Việt Nam. Chủ yếu tập trung vào năm tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Một số tỉnh trung du như Đồng Nai và Vũng Tàu cũng có trồng cà phê robusta. Như đã biết, robusta dễ trồng hơn arabica. Nó đòi hỏi độ cao thấp hơn khoảng 500m trên mực nước biển, robusta ưa nắng hơn với nhiệt độ ưa thích từ 24oC tới 29oC, đặc trưng cao nguyên với lượng mưa trung bình trên 1.000mm/ năm.
Việt Nam có những vùng trồng cà phê robusta nổi tiếng như Pleiku, Ayun Pa, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột, Đắc-min hay Cư Kuin. Trong đó, nổi bật nhất là Buôn Ma Thuột, hiện được truyền thông là kinh đô cà phê của Việt Nam. Cùng với đó, cà phê robusta Buôn Ma Thuột cũng được quảng bá là chỉ dẫn địa lý cho cà phê robusta chất lượng cao của Việt Nam (Buon Ma Thuot’s robusta single estate coffee). Ngoài ra, cà phê robusta Long Khánh (thuộc Đồng Nai) cũng có những đặc trưng rất riêng. Đặc biệt là, một vài huyện tại Bà Rịa Vũng Tàu là một tỉnh ven biển cũng trồng được cà phê robusta và cho kết quả năng suất tương đối tốt.
Nhìn chung, so với cà phê arabica, sản lượng cà phê robusta tại Việt Nam hiện nay là một con số rất lớn. Sản lượng cà phê robusta Việt Nam vào những đợt cao điểm đạt tới 1,5 tới 1,7 triệu tấn gấp tới 25 lần sản lượng cà phê arabica (60 ngàn tấn). Cà phê robusta thật sự là thế mạnh của Việt Nam giúp đưa đất nước đứng số #1 thế giới về xuất khẩu cà phê robusta.
Phân loại cà phê robusta.
Giống như cà phê arabica, người ta phân loại cà phê robusta theo sàng. Cũng vậy, phổ biến nhất vẫn là sàng 16 và sàng 18. Sàng 16 có đường kính hạt cà phê nhân (hay kích thước lỗ sàng) là 6,30mm và sàng 18 là 7,10mm. Ngoài kích thước, các tiêu chí khác còn được tính tới là phân loại theo độ ẩm, tạp chất, tỷ lệ hạt đen vỡ và tỷ lệ hạt trên sàng. Cà phê robusta tại Việt Nam nhìn chung có chất lượng đồng đều và chia sẻ nhiều điểm chung do cùng tập quán canh tác. Điều đặc biệt là ngoài sàng 16 và 18, robusta Việt Nam cũng có sàng 14 được gọi với tên Lavazza – một trong những nhà thu mua cà phê lớn của Việt Nam. Hay Việt Nam cũng xuất khẩu tương đối nhiều cà phê sàng #13 loại R3 25% đen vỡ cho nhiều nhà máy cà phê hòa tan lớn trên thế giới.
Caphegiasi cũng có các hỏi hàng và quan tâm từ một vài nhà máy cà phê hòa tan tại Ấn Độ và trong khu vực với cà phê nhân loại R3 của Việt Nam.
Robusta tại Việt Nam được tiêu thụ như thế nào?
Có thể nói robusta rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Rất nhiều người uống cà phê dọc theo chiều dài đất nước yêu cà phê robusta. Có thể là do robusta có giá thành thấp hơn arabica hoặc nguồn cung robusta dồi dào hơn. Nhưng nguyên nhân chính chắc chắn xuất phát từ thói quen ẩm thực của người Việt. Robusta được ưa chuộng tại đây đơn giản vì nó đáp ứng được các sở thích của người uống. Ẩm thực Việt Nam nổi bật với vị đậm đà do thói quen dùng nước mắm và các loại mắm. Và robusta có vị đắng, đậm, ít chua với hàm lượng caffeine cao giúp tỉnh táo đã nhanh chóng được yêu thích bởi nhiều người. Về cách rang cũng có những khác biệt, robusta phải được rang đậm (dark roast) hoặc cực đậm (super dark roast) và trong đa số trường hợp được tẩm thêm bơ để tạo ra vị đậm đà của cà phê pha.
Robusta và cà phê sữa đá.
Không giống phương Tây, người Việt Nam uống cà phê … chậm. Cà phê sẽ được pha bằng phin và người uống sẵn lòng ngồi chờ đợi, có thể một mình hoặc nói chuyện với bạn bè. Sau năm tới mười phút chờ đợi, cà phê pha sẽ được pha với sữa đặc và dùng lạnh với nước đá vì Việt Nam là một xứ nhiệt đới, thời tiết oi bức nóng ẩm. Một cốc cà phê sữa đá tiêu chuẩn thường là cà phê robusta rang đậm với bơ, sau khi pha bằng phin sẽ hòa tan đều trong sữa đặc, để nguội và thêm đá. Do vậy, tại Việt Nam uống cà phê trong đa số trường hợp là thưởng thức, trải nghiệm và suy ngẫm chứ không đơn thuần là một loại đồ uống giải khát, uống nhanh để khỏa lấp sự thiếu hụt caffeine. Uống cà phê tại Việt Nam đơn thuần là một dạng thực hành văn hóa, uống để tạo ra kỷ niệm, hồi tưởng kỷ niệm và lưu lại kỷ niệm trong các quán cà phê có sự bài trí rất đa dạng.
Tóm lại, robusta là loại cà phê dễ trồng hơn arabica, ưa nắng, sức đề kháng cao và vị đậm đà với hàm lượng caffeine cao. Tại Việt Nam, robusta là loại cà phê được trồng chủ yếu, gấp khoảng 25 lần so với arabica. Robusta được trồng nhiều ở năm tỉnh Tây Nguyên và có chất lượng tương đối đồng đều và ổn định. Người tiêu dùng cà phê Việt Nam thích cà phê robusta vì nó có những điểm tương đồng với gu ẩm thực của người Việt là ưa vị đậm đà và mạnh. Để làm một ly cà phê sữa đá đúng chất Việt Nam, bạn nên dùng cà phê robusta rang đậm hoặc cực đậm với bơ.